Ngoài đảo có nhịp sống rất riêng. Trước khi đến đây, mình chưa bao giờ nghĩ cuộc sống hàng ngày sẽ gắn bó với thời tiết nhiều như lúc này. Một sáng trời còn ưng ửng nắng, đột ngột bầu trời phủ mây cùng sương mù dày, kéo theo mưa cùng gió tới. Phú Quốc cứ thể mà đã bước chân vào mùa bão cuối năm được hơn tháng nay rồi.
Mình thường than phiền rằng phải chi bản thân biết cách đoán được thời tiết, như mấy cái máy ngoài bầu khí quyển hay ứng dụng dự báo thời tiết ấy. Vậy nên mình ấn tượng với mấy cô chú trên đảo lắm. Họ không chỉ dự báo được ngày trời mưa, mà còn biết cách “đọc” cả bầu trời qua những đám mây. Những hôm trời đỏ vào buổi sáng, thì chiều rất dễ có mưa do hệ thống bão đang dần kéo tới. Còn những đám mây có hình đuôi ngựa hay hình dấu hỏi mờ (mares tails clouds) lác đác trên bầu trời báo hiệu cơn bão đang đến gần.
(Hình chụp bởi Ái Đi Lạc)
Dù đoán trước bão ập vào, đời sống ngoài đảo vẫn bị ảnh hưởng rất nhiều. Mùa bão mọi người cực lắm. Những lúc có áp thấp hoặc bão, biển động lớn, tàu cao tốc không chạy và nhiều khi máy bay cũng khó có thể cất cánh hay hạ cánh. Nên dễ hiểu khi mùa này không có khách du lịch. Mà nếu có thì cano không đưa khách đi chơi được, khách cũng bị kẹt lại trên đảo nữa. Ngoài đảo chủ yếu sống bằng nghề du lịch, mà giờ không có khách, cũng không thể ra biển thường xuyên, và cũng không có quá nhiều cách để mưu sinh. Một năm 2 mùa thì họ dành trọn 8 tháng để làm ăn, 4 tháng còn lại gồng mình chịu bão.
Bão không phải là “thủ phạm”. Đó cũng chỉ là hoạt động của mẹ thiên nhiên để cân bằng lại thôi. Nhưng bão khắc nghiệt và khó đoán kéo dài như hiện nay lại là hậu quả của việc tàn phá thiên nhiên của chính chúng ta gây biến đổi môi trường. Nếu mọi người không bảo vệ lấy chính mình bằng cách giữ cho hệ sinh thái cân bằng thì dần rồi sẽ mất đi những khung cảnh tuyệt đẹp, thậm chí nguy hiểm đến cuộc sống nữa. Nhìn thấy bão, đoán được bão, vậy làm thế nào để giảm bớt thiệt hại của bão? Câu trả lời nằm ở chúng ta.
Comments