Vẻ đẹp của Phú Quốc đang bị đe dọa bởi không chỉ rác thải nhựa mà còn có thêm sự góp mặt của các công trình kiến trúc, bê tông cốt thép cứng ngắc được tạo ra bởi con người.
Có lẽ bạn nghĩ nếu mình không sống ở đảo, không phải nghe thấy tiếng ồn của búa khoan hay mây bụi và mảnh vụn vây kín, chắc hẳn mấy chuyện như xây thêm cái này hay cái kia cũng chả ảnh hưởng gì. Nhưng thực tế, từ giai đoạn thi công cho tới lúc những tòa nhà hoàn thiện, đều đang dần “phá hủy” hòn đảo từng bước một.
(Hình chụp bởi Tài Phạm)
Điều dễ thấy nhất là lượng cacbon thải ra môi trường từ việc sản xuất xi măng. Một khối xám xịt thôi đã gây hại thế. Thì bạn cứ nghĩ dãy nhà dài to lớn với lượng xi măng gấp nhiều lần, thì sẽ ảnh hưởng không khí thế nào.
Đâu chỉ dừng lại ở đó, đi kèm việc phát triển đô thị là việc tăng nhu cầu về nguyên liệu thô. Như cát, nguyên liệu chính trong sản xuất bê tông, không phải là nguồn cung vô tận. Và cát ta dùng để xây dựng cũng gây ô nhiễm các dòng sông, giết chết cá và các động vật dưới nước khác, gây nguy hiểm đến chất lượng sống.
Phú Quốc hết bị lấn biển, lại bị lấn rừng. Để đua ai có nhiều căn homestay hay địa danh bê tông với view đắc địa, cây sẽ bị đốn, rừng sẽ bị san bằng. Có lẽ lòng tham con người là vô đáy, có rồi lại muốn thêm. Chẳng mấy chốc nhìn Phú Quốc bớt màu xanh, thêm nhiều màu mè. Càng tiện lợi, hiện đại cho con người, càng rời xa bóng dáng của thiên nhiên.
Ai tới Phú Quốc cũng mong được nhìn ngắm thiên nhiên, nhưng toàn phải gặp bê tông và bê tông. Khách du lịch từ châu Âu còn nói những nơi đó là “ghost town”, những thị trấn vắng vẻ và lạnh lẽo. Bê tông không xấu khi nó là những ngôi nhà chắc chắn che mưa gió, hay nâng cấp đường và bến tàu. Nhưng khi nó thay thế cho vẻ đẹp của thiên nhiên thì Phú Quốc còn lại gì để hấp dẫn du khách. Nghĩ thôi đã thấy buồn.
Mỗi ngày chúng mình đều bị “nhốt” trong những tòa nhà ở chỗ làm rồi. Đừng để những chuyến đi mạn du với thiên nhiên vẫn bị mắc kẹt trong khối bê tông…
Comments